NÔNG LÂM KẾT HỢP

AGROFORESTRY
 

1.Lịch sử
 
Mặc dù được chính thức thành lập trong năm 2007, Bộ môn Nông Lâm Kết hợp và Lâm nghiệp Xã hội đã có một lịch sử hình thành và phát triển tương đối dài và một uy tín khoa học ở cấp quốc gia và khu vực. Uy tín này được xây dựng là nhờ các hoạt động hiệu quả của các thành viên của bộ môn trong các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trong các mạng lưới quốc gia và khu vực.
 

Trước khi được thành lập thành Bộ môn Nông Lâm Kết hợp và Lâm nghiệp Xã hội, Bộ môn Lâm nghiệp Xã hội (cũ) đã được hình thành năm 1992, sau khi tổ chức thành công một Hội nghị về Lâm nghiệp Cộng đồng và Nông Lâm Kết hợp (CF-AF). Từ đó, Bộ môn Lâm nghiệp Xã hội (cũ) đã đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu về Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên dựa vào Cộng đồng với sự hợp tác của các tổ chức quốc tế. Bộ môn cũng là đơn vị đầu tiên áp dụng cách tiếp cận Phát triển Chương trình Đào tạo Có sự tham gia (PCD) và Truyền thông Phát triển có sự tham gia (PDC). Các hoạt động này đã có tác dụng quan trọng trong việc nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu của Bộ môn. Một số thành viên từ bộ phận Nông Lâm Kết hợp thuộc bộ môn Trồng rừng và Lâm nghiệp Đô thị (cũ) đã có những hoạt động nghiên cứu công nghệ nông lâm kết hợp, đặc biệt là phân loại các hệ thống nông lâm kết hợp, canh tác trên đất dốc, thuần hóa các loài và khảo nghiệm các loài cây gỗ bộ đậu.  

  

Stt

Học Hàm

Họ Và Tên

Chức vụ

Email

Giảng dạy

11

TS

Bùi Việt Hải

Giảng viên chính

buiviethai@hcmuaf.edu.vn

Thống kê lâm nghiệp; Di truyền và chọn giống

2

ThS

Đặng Hải Phương

Giảng viên

danghaiphuong@hcmuaf.edu.vn

Nông lâm kết hợp; Hệ thống nông lâm kết hợp

3

TS

La Vĩnh Hải Hà

Phó trưởng khoa

lvhaiha@hcmuaf.edu.vn

Lâm luật và Chính sách lâm nghiệp.

4

ThS

Nguyễn Quốc Bình

Giảng viên

ngquocbinh@hcmuaf.edu.vn

Lâm sản ngoài gỗ, Mô hình hóa NLKH, GIS trong Lâm nghiệp

5

ThS

Nguyễn Thị Kim Tài

Giảng viên

ntkimtai@hotmail.com

Lâm nghiệp xã hội; Tiếp thị sản phẩm nông lâm kết hợp

6

ThS

Nguyễn Thị Lan Phương

Giảng viên

lanphuong@hcmuaf.edu.vn

Bệnh hại rừng

 

 
2. Năng lực và kinh nghiệm của Bộ môn
 
Hiện tại, Bộ môn Nông Lâm Kết hợp và Lâm nghiệp Xã hội có đủ năng lực để thực hiện tốt các công việc sau đây:
 
1.       Xác định các phương thức sử dụng đất và hệ thống nông lâm kết hợp hiện có bằng cách làm việc trực tiếp với người dân địa phương, xác định đặc trưng của hệ thống và chẩn đoán trên hiện trường;
 
2.       Đánh giá nông thôn có sự tham gia, đánh giá lưu vực, đánh giá sinh kế, điều tra nông hộ, đánh giá hiệu quả về mặt bảo tồn và về mặt kinh tế xã hội của các phương thức và hệ thống sử dụng đất và hệ thống nông lâm kết hợp một cách có sự tham gia;
 
3.       Phân tích cấu trúc, chức năng và động thái của các hệ thống nông lâm kết hợp và xác định chức năng của các thành phần của chúng trong cảnh quan, đánh giá tương tác cây gỗ/hoa màu/đất/vật nuôi ở cấp độ nông trại và cảnh quan;
 
4.       Xây dựng các phương án lập kế hoạch sử dụng đất và quản lý tài nguyên thiên nhiên tổng hợp ở cấp độ cộng đồng và cảnh quan;
 
5.       Điều tra đánh giá nhu cầu đào tạo, thiết kế và thực hiện các chương trình đào tạo ngắn hạn về các hệ thống và công nghệ quản lý tài nguyên thiên nhiên, truyền thông và giáo dục môi trường.
 
6.       Thiết lập, tinh chỉnh và đánh giá các mô hình tổng hợp của các hệ thống sử dụng đất; thiết lập, tinh chỉnh và quản lý các hệ thống thông tin địa lý, giải đoán ảnh viễn thám; áp dụng và thích ứng một số mô hình tổng hợp và xây dựng các Hệ thống Hỗ trợ Lập Quyết định trong việc phân tích động thái của các hệ thống sử dụng đất.
 

7.       Thử nghiệm, phát triển và nhân rộng các phương thức và hệ thống sử dụng đất dựa trên nông lâm kết hợp có sức sống kinh tế, bền vững về sinh thái và có tác động tích cực về mặt xã hội có sự tham gia của nông dân.

 

3. Phát triển chương trình đào tạo
 

Mặc dù ở Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Nông lâm kết hợp đã được chấp nhận như là một môn học và được giảng dạy ở nhiều khoa (Lâm nghiệp, Nông học, Phát triển Nông thôn), từ năm 2005, một chương trình đào tạo nông lâm kết hợp được đề xuất cùng với tiến trình phát triển chung của nhà trường để trở thành một đại học đa ngành và đa lĩnh vực. Song nhiệm vụ phát triển chương trình đào tạo theo hướng này vẫn còn là một thách thức đối với một bộ môn mới thành lập.
 
Việc thiết lập chương trình đào tạo nông lâm kết hợp trước hết là nhằm thực hiện sứ mệnh của nhà trường, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh của những sự chuyển đổi lớn trong khu vực nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên và nông thôn. Bối cảnh này đã gây ra những khó khăn trong việc tạo ra một sự nhất trí cao về tính liên ngành của một chương trình mang tính dự phóng (proactive) hơn là phản ứng (reactive). 

Trước hết, thử thách đến từ việc thu hút sinh viên. Đối với nhiều người, tên gọi Nông lâm kết hợp có vẻ ít hấp dẫn hơn các ngôn ngữ thời thượng hơn, như “quản lý môi trường” hay “công nghệ môi trường”. Do đó, chiến lược truyền thông của bộ môn là phải làm cho những sinh viên tiềm thế thấy rằng chương trình Nông lâm kết hợp mà bộ môn đang xây dựng, hoàn thiện và cung cấp cho họ bao hàm một số kỹ năng và phương thức “quản lý môi trường” hay “công nghệ môi trường” dựa trên sinh học ngay trên đồng ruộng của nông dân. Hơn thế nữa, Nông lâm kết hợp là  một ngành ‘quản lý cảnh quan” áp dụng các hiẻu biết sinh thái và xã hội để chẩn đoán, thiết kế và quản lý các hệ thống nông lâm kết hợp, ở cấp cảnh quan, nhằm nâng cao sức sản xuất, và các chức năng môi trường và xã hội của các hệ thống đó. 

Thứ hai, chỉ mới cách nay chừng khoảng hai mươi năm, không có cơ sở giáo dục đào tạo nào cung cấp các chương trình nông lâm kết hợp, nhưng chỉ từ năm 2005, số các trường đại học và cao đẳng trên thế giới giảng dạy các chương trình nông lâm kết hợp lên đến hằng trăm, và xu hướng còn tiếp tục gia tăng cả trong các nước nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới. Bản thân khái niệm, cách tiếp cận và phương thức cụ thể cũng phát triển rất nhanh. Rõ ràng là các chương trình nông lâm kết hợp được xây dựng vẫn còn rất mới mẻ. Do đó, sự tiếp tục tham gia tích cực vào các hoạt động mạng lưới là rất cần thiết. 

Thứ ba, sự xác định chỗ đứng của sinh viên tốt nghiệp trong bối cảnh của những sự chuyễn đổi lớn trong khu vực nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên và nông thôn như đã đề cập trên đây sẽ rất cần thiết. Một dự báo bi quan nói rằng xu hướng chung là sự xóa bỏ bao cấp trong nông nghiệp sẽ dẫn đến sự sụt giảm trong các dịch vụ hỗ trợ của chính phủ và dẫn đến sự sụt giảm chỗ làm trong các cơ quan làm nhiệm vụ quản lý và hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Mặt khác, khu vực tư nhân không đủ sức thu hút cán bộ kỹ thuật có trình độ cao. Tuy nhiên, cũng có những dự báo lạc quan hơn. Việt Nam vẫn chưa sử dụng hết các khoản chi hợp lý để hỗ trợ cho sự phát triển của nông nghiệp, việc áp dụng các công cụ dựa vào thị trường để quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên và phát triển các dịch vụ môi trường sẽ đòi hỏi những người làm công tác phát triển có cách nhìn hệ thống, có khả năng chẩn đoán và đánh giá các hệ thống sản xuất và giaỉ quyết các vấn đề trên cơ sở phân tích hệ thống.
 

4. Mục tiêu đào tạo của chuyên ngành nông lâm kết hợp
 

Chuyên ngành Nông Lâm kết hợp đào tạo các Kỹ sư lâm nghiệp chuyên ngành nông lâm kết hợp là các cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học có phẩm chất và năng lực thực hiện các nhiệm vụ góp phần phát triển, áp dụng, nhân rộng và quản lý các hệ thống sử dụng đất bền vững dựa trên nông lâm kết hợp. 

Để thực được các nhiệm vụ này, chương trình đào tạo chú trọng phát triển các kiến thức và năng lực chuyên môn để giúp người học:

-          Làm việc trực tiếp và có hiệu quả với người dân địa phương trong những bối cảnh mà các hệ thống nông lâm kết hợp tỏ ra ưu việt, cả về mặt bảo tồn và về mặt kinh tế xã hội để phát triển các hệ thống sử dụng đất bền vững trong đó thành phần cây gỗ chiếm vị trí then chốt trong việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ môi trường thiết yếu cho sinh kế địa phương và cho sự bền vững về môi trường; 

-          Phân tích các tiềm năng và hạn chế về đất, nước và tài nguyên sinh học và các yếu tố xã hội, kinh tế và thị trường trên một quan điểm hệ thống ở các cấp độ từ nông hộ đến cảnh quan, trong bối cảnh rộng hơn, trong đó nhấn mạnh sự tương tác của các thành phần trong các hệ thống nông lâm kết hợp trong cảnh quan; và từ đó 

Phát triển và nhân rộng các hệ thống nông lâm kết hợp có sức sống về kinh tế, có tác động tích cực về môi trường và được sự chấp nhận của xã hội và đề xuất các phương án quản lý bền vững có tính khả thi ở các cấp độ nông hộ và cảnh quan. 

5. Các nhiệm vụ chủ yếu

  Dựa trên sự phân tích chiến lược nông lâm kết hợp trong năm 2007, bộ môn tập trung vào các nhiệm vụ chính sau đây:

 

  (1) Phát triển một nguồn nhân lực có phẩm chất và năng lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển, áp dụng, nhân rộng và quản lý các hệ thống sử dụng đất bền vững dựa trên nông lâm kết hợp, với sự tham gia của các cộng đồng địa phương; 
(2) Xây dựng và thực hiện một chương trình nghiên cứu phát triển các hệ thống sử dụng đất bền vững trong đó thành phần cây gỗ chiếm vị trí then chốt trong việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ môi trường thiết yếu cho sinh kế địa phương và cho sự bền vững về môi trường và công bằng xã hội.
(3) Thúc đẩy các hoạt động truyền thông phát triển đến các nhóm liên quan để đáp ứng nhu cầu thông tin về công nghệ và cách tiếp cận phát triển, đặc biệt chú trọng các cộng đồng nông thôn nghèo, nơi có các hệ sinh thái mong manh và các bối cảnh xã hội dễ bị tổn thương.

 

Số lần xem trang: 2750
Nhập ngày: 02-01-2008
Điều chỉnh lần cuối: 12-07-2018


Bộ môn Thiết kế đồ gỗ nội thất(07-11-2011)

Bộ môn Chế biến Lâm sản(02-01-2008)

Bộ môn Giấy và Bột giấy(03-01-2008)

Bộ môn:(03-01-2008)

Trung tâm nghiên cứu Chế biến Lâm sản, Giấy và Bột giấy(17-03-2008)

Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật Lâm nghiệp(14-10-2015)

Nhân sự khoa Lâm Nghiệp năm 2021(02-01-2008)